TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN PHÒNG NGỪA HOẠT ĐỘNG SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, LỢI DỤNG KHÔNG GIAN MẠNG ĐỂ LỪA ĐẢO, CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN
PHÒNG NGỪA HOẠT ĐỘNG SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, LỢI DỤNG KHÔNG
GIAN MẠNG ĐỂ LỪA ĐẢO, CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
I. Đặc điểm tình
hình:
Những năm gần đây lợi dụng sự phát triển
của công nghệ thông tin, tiện ích do mạng Internet cung cấp, các loại tội phạm khai thác triệt để, ứng dụng tối đa
công nghệ thông tin vào các hoạt động phạm tội nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
với thủ đoạn rất tinh vi, khó phát hiện; gây
thiệt hại đến tài sản của Nhân dân, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng
phát hiện, đấu tranh, triệt xóa.
II. Phương thức, thủ đoạn lừa đảo chủ yếu:
1. Lừa đảo thông qua hình thức mạo danh người có
thẩm quyền:
- Các đối tượng thường sử dụng công nghệ
cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống số điện thoại công khai của cơ quan Công
an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền
hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra,
xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...; dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt
tạm giam nạn nhân khiến nạn nhân sợ hãi. Đối tượng yêu cầu bị hại kê khai tài sản,
số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng, ngụy trang lý
do để phục vụ công tác xác minh, điều tra. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe
dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã
OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc
để xác minh, nếu không liên quan vụ án sẽ trả lại.
- Mạo danh là Công an, cán bộ
cơ quan Nhà nước, nhân viên Ngân hàng, nhà mạng, điện lực... yêu cầu người dân
tải và cài đặt các phần mềm giả mạo các ứng dụng chính thống của các cơ quan
như: VNEID, Phần mềm kê khai thuế, app nộp tiền điện… Sau đó yêu cầu nạn nhân cấp
quyền cho ứng dụng truy cập vào danh bạ, vị trí thiết bị, trợ năng điện thoại để
theo dõi thao tác của nạn nhân trên điện thoại. Từ đó thu thập tài khoản, mật
khẩu ngân hàng, đánh cắp mã OTP để tiến hành chiếm đoạt tài sản.
- Mạo danh cán bộ ngân
hàng yêu cầu cung cấp mã pin, mật khẩu hoặc thông tin thẻ để xử lý các sự cố
liên quan đến ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.
Các đối tượng lừa đảo thường
yêu cầu bị hại giữ bí mật đối với người xung quanh; quá trình lừa đảo diễn ra
nhanh, chúng sẽ đưa ra các lý do dồn dập khiến bị hại không có thời gian suy
nghĩ, định hình lại nội dung sự việc.
2.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tin nhắn “rác”, mạng xã hội Facebook, Zalo, kênh
Youtube, chiếm quyền sử dụng tài khoản cá nhân mạng xã hội…:
Đối tượng đăng tải các thông tin, video
trên mạng xã hội Facebook, Zalo, kênh Youtube… có nội dung dự đoán, “soi cầu”
số lô, số đề để người có nhu cầu mua số lô, số đề liên hệ qua tài khoản
facebook, zalo để mua số lô, số đề trúng thưởng hàng ngày. Sau khi nhận được
tiền của người bị hại thông qua tài khoản ngân hàng, đối tượng chiếm đoạt luôn
số tiền đó. Một số đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản cá nhân trên các
trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber…, sau đó nhắn tin lừa người thân, bạn
bè của chủ tài khoản chuyển tiền cho đối tượng nhằm chiếm đoạt tài sản…
Đối với hình
thức lừa đảo này, các đối tượng sử dụng Facebook ảo và sim rác để liên lạc với
bị hại, mặt khác bị hại thường sẽ không trình báo cơ quan Công an do bản thân
họ cũng vi phạm pháp luật khi tham gia các hoạt động cấm nói trên.
Năm
2023 Phòng PA05 phối hợp Công an huyện Quỳ Hợp triệt phá thành
công chuyên án 323L “Triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet
bằng hình thức lợi dụng mê tín dị đoan cho số lô, số đề” thông qua 03 kênh
Youtube lần lượt là “Phát Lộc Ba Miền”, “Tài Lộc 686” và “Kim Cúc Xin Lộc Ba
Miền” tư vấn số tiền phí và lấy số
chiếm đoạt số tiền phí. Quá trình đấu tranh, xác định được số tiền các đối tượng chiếm đoạt từ
hành vi lừa đảo này là khoảng 900 triệu đồng. Các đối tượng chủ yếu mua hoặc thuê số điện thoại rác, số điện thoại đẹp
để lập tài khoản zalo ảo. Lập các kênh youtube sử dụng thiết bị chỉnh âm sau đó
tạo các video phân tích cho số lô, đề, tạo các đoạn tin nhắn cho trúng số hòng
lấy lòng tin của nạn nhân.
3.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, đầu tư chứng
khoán, tiền ảo, tiền điện tử…:
- Xuất hiện một số tổ chức, cá nhân trong
và ngoài tỉnh tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo, các hoạt động quảng bá trên
mạng xã hội… để giới thiệu, mời chào, lôi kéo hàng trăm người dân tham gia đầu
tư, kinh doanh các loại tiền ảo, tiền điện tử, đầu tư chứng khoán…với những hứa
hẹn về lợi nhuận, mức hoa hồng hấp dẫn, lợi nhuận cao. Quá trình đầu tư, phát
sinh các vụ việc sàn giao dịch bị “sập”, người đầu tư không có khả năng thu hồi
tiền đầu tư đã gửi đơn tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến cơ quan
Công an.
- Các đối tượng mở các sàn giao dịch không đăng ký kinh doanh,
không có trụ sở tại Việt Nam. Đánh bóng hình ảnh trên các trang mạng xã hội cá
nhân bằng các hình ảnh sống ảo đi xe sang, mua biệt thự, thường xuyên du lịch
nước ngoài, dùng đồ hiệu. Mời chào nạn nhân tham gia các hội thảo không mất
phí, tham gia quay thưởng, đổi quà rồi kêu gọi đầu tư, cam kết, hứa hẹn lợi
nhuận cao, hoa hồng giới thiệu cao, nạp rút dễ dàng… Thành lập các đội chuyên
gia để tư vấn hỗ trợ nhằm tạo lòng tin cho người chơi sau đó can thiệp hệ thống
vào tài khoản của người chơi để làm cháy tài khoản hoặc không cho rút tiền về.
Khi lượng tiền của người chơi đổ về nhiều thì đánh sập hệ thống để xóa dấu vết
và chiếm đoạt tài sản.
4. Lừa
đảo tuyển cộng tác viên sàn thương mại điện tử:
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả
tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh, không cần bằng cấp, kinh nghiệm, làm việc tại
nhà của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho
các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ
đoạn lập các trang Facebook, sàn thương mại điện tử giả mạo các nhãn hàng,
trang thương mại điện tử như: Tiki.vn, Lazada, Shopee, Amazon... và chạy quảng
cáo để tiếp cận người có nhu cầu làm cộng tác viên. Khi người có nhu cầu nhắn
tin tìm hiểu cách thức làm việc, các đối tượng sẽ gửi các thông tin về “công
ty”, “nhân viên chăm sóc khách hàng”... và yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết
bạn Zalo để tư vấn. “Mồi nhử” mà bọn lừa đảo
đưa ra rất hấp dẫn như: Mua hàng trực tiếp nhưng
không nhận hàng (những kẻ lừa đảo gọi là làm tăng tỷ lệ tương tác mua hàng đối
với sản phẩm), việc mua hàng sẽ được thực hiện chuyển khoản qua tài khoản Ngân
hàng do đối tượng cung cấp. Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng hoa hồng
từ 10 - 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng, tiền sẽ được chuyển khoản ngược về
sau 5 – 10 phút khi đặt hàng thành công (bao gồm cả tiền gốc và hoa hồng). Ở những
nhiệm vụ đầu tiên, với các đơn hàng có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được hoàn
tiền hàng và hoa hồng về tài khoản ngân hàng. Từ đó, các đối tượng dẫn dụ CTV tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ có
giá trị cao hơn, liên tục lấy lý do khác nhau như chậm thời gian, bảo trì hệ
thống… yêu cầu cộng tác viên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ
tiếp theo, hứa hẹn xong sẽ nhận tiền gốc và hoa hồng hoặc chặn đầu mối liên hệ
với cộng tác viên thì lúc đấy nạn nhận mới nhận ra mình đã bị lừa đảo.
5. Chiếm quyền điều khiển (Hack) các tài
khoản mạng xã hội:
Các đối tượng chiếm quyền điều
khiển các tài khoản mạng xã hội như Zalo, Facebook… sau đó sử dụng các tài
khoản này để lừa đảo nạn nhân thông qua việc nhờ nạp thẻ điện thoại, vay tiền,
nhờ chuyển tiền… Đáng chú ý, thời gian gần đây các đối tượng triệt để lợi dụng
công nghệ deepfake để tạo ra hình ảnh, âm thanh giả mạo, gọi video nhằm tạo
lòng tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thường các đối tượng
phạm tội sẽ nghĩ ra nhiều lý do khác nhau để nạn nhân chuyển tiền nhiều lần cho
đến khi thấy nạn nhân nghi ngờ chúng sẽ xóa tin nhắn và chặn tài khoản người đó
(khi bị chặn sẽ không thể tương tác với nhau được, không xem được thông tin tài
khoản của nhau).
Ngày 21/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an
TP Đà Nẵng bắt, tạm giữ 4 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bằng thủ đoạn hack tài khoản mạng xã hội Facebook của người khác, các đối tượng
sau đó mạo danh nạn nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng 500 bị hại
trên cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng… Tất cả số tiền chiếm đoạt được các đối
tượng sử dụng vào mục đích chơi Game và thông qua việc mua bán Bitcoin để rửa
tiền. Các đối tượng trên hoạt động có tổ chức, mang tính liên tỉnh,
bị hại nhiều và chiếm đoạt số tiên lớn, phương thức
thủ đoạn tinh vi, có bài bản.
Phương thức
thủ đoạn chính các đối tượng sử dụng để chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội là lập
các trang web giả mạo như bình chọn cuộc thi, nhận chuyển tiền quốc tế sau đó
gửi cho các tài khoản facebook kèm đường link như:
“nhantienkieuhoi-online247.weebly.com; trang chuyển tiền từ nước ngoài về https://transfermoney.weebly.com-/otp/htmlu,
trang bán hàng https://monngon-vietnam.weebly và dịch vụ chuyển trả tiền nhanh
qua https://WesternUnion.weebly.com”. Các tài
khoản khi truy cập được link sẽ bị yêu cầu đăng nhập lại trên web giả mạo của
các đối tượng và bị các đối tượng thu thập thông tin tài khoản sau đó đổi mật
khẩu rồi sử dụng để nhắn tin cho người thân bạn bè vay tiền, nhờ chuyển tiền,
làm từ thiện, chuyển tiền trả nợ để chiếm đoạt. Để tạo lòng tin cho nạn nhân
các đối tượng sử dụng công nghệ deepfake, công nghệ AI để giả dạng khuôn mặt,
giọng nói của chủ tài khoản mỗi khi nạn nhân yêu cầu gọi video để xác minh.
6. Lừa đảo trúng thưởng:
Lừa
đảo bằng cách gửi tin nhắn, gọi điện thông báo trúng thưởng với số tiền, quà có
giá trị lớn, sau đó yêu cầu nạn nhân nộp tiền để làm thủ tục nhận quà, tiền.
Khi nạn nhân nộp tiền xong, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền rồi cắt liên lạc
với nạn nhân.
7. Lợi dụng các dịch vụ thanh toán trực
tuyến để chiếm đoạt tài sản:
Các
đối tượng xây dựng các trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế hoặc giả
giao diện ngân hàng để lừa người dùng truy cập thực hiện giao dịch và chiếm
đoạt tiền. Nạn nhân mà các đối tượng lừa đảo nhắm đến là những người bán hàng
Online. Các đối tượng lừa đảo tự nhận mình là người Việt đang sống ở nước ngoài
liên hệ mua hàng, dịch vụ cho người thân. Sau khi chủ cửa hàng đồng ý, chúng
yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền qua dịch vụ như Moneygram, Western
Union… có kèm đường link truy cập vào trang mạng giả và yêu cầu nạn nhân cung
cấp thông tin bảo mật, qua đó lấy các thông tin này để thực hiện chiếm đoạt tài
sản.
8. Lừa đảo tình ái:
Các đối tượng sử dụng ứng dụng
hẹn hò trên các mạng xã hội Tinder, Facebook lập các tài khoản ảo sử dụng hình
ảnh trai xinh gái đẹp tìm người yêu. Sau khi lấy được lòng tin từ nạn nhân các
đối tượng rủ rê góp vốn đầu tư vào các sàn ảo, làm thẻ hội viên của dự án…, vay
mượn tiền để chiếm đoạt tài sản. Đến lúc nhận thấy nạn nhân không có khả năng
bỏ thêm tiền hoặc nghi ngờ thì các đối tượng chặn liên lạc.
9. Hoạt động cho vay “tín dụng đen" qua mạng.
Thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức tín dụng cho
vay tiền không rõ nguồn gốc là tạo các ứng dụng online (App) vay tiền. Đồng
thời, sử dụng tờ rơi, thông qua các trang mạng xã hội, nhắn tin, gọi điện, chạy
video quảng cáo... nhằm kêu gọi, lôi kéo nhiều người tham gia vay tiền với
những nội dung như: thủ tục vay tiền đơn giản, nhanh gọn, lãi suất “hấp dẫn”,
“miễn phí lãi suất lần đầu vay”, “vay không cần chứng minh thu nhập”, “vay
không cần thế chấp”...
Sau khi lôi kéo, dụ dỗ được những
người có nhu cầu vay tiền, các đối tượng chủ động liên hệ qua ứng dụng zalo,
telegram, messenger… tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng để hướng dẫn làm
thủ tục vay vốn. Để tạo sự tin tưởng, các đối tượng còn cung cấp hình ảnh bản
thân, căn cước công dân, địa chỉ cơ quan, nơi làm việc, số điện thoại liên
hệ... Tuy nhiên, trên thực tế, những hình ảnh, thông tin này đều là mạo danh
người khác hoặc giả mạo thông qua các thủ đoạn cắt ghép, chỉnh sửa.
Sau khi đã tạo được lòng tin đối với người vay, các đối tượng
cung cấp đường link tải ứng dụng vay tiền trên điện thoại di động; hướng dẫn
người dùng điền các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, ứng dụng
yêu cầu được phép truy cập vào danh bạ điện thoại để thu thập các thông tin
liên quan phục vụ mục đích của các đối tượng.
Sau
khi hoàn thành xong thủ tục, các đối tượng cho vay khoản tiền theo yêu cầu với
lãi suất 10-15%/1 năm (tương đương hoặc cao hơn lãi suất ngân hàng không đáng
kể). Tuy nhiên nếu đến hạn người vay trả chậm thì sẽ bị phạt tiền vi phạm hợp
đồng từ 3-8% tiền vay, một ngày trả chậm sẽ bị phạt thêm từ 2-5% tiền vay. Như
vậy, khoản tiền phải trả có thể gấp 5, gấp 10 khoản tiền vay ban đầu chỉ vay
trong thời gian ngắn (một vài tháng).
Lấy lý do đến hạn trả nợ mà người vay chưa trả hoặc
không trả đầy đủ các khoản nợ, các đối tượng sẵn sàng sử dụng nhiều
biện pháp đe dọa, khủng bố tinh thần để đòi nợ. Điển hình là: sử
dụng sim “rác” gọi điện, nhắn tin để chửi bới, đe dọa; liên lạc với người thân
(những số điện thoại thường xuyên liên lạc hoặc có tên trong danh bạ) gây sức
ép để đòi tiền; sử dụng hình ảnh cá nhân, cắt, ghép phát tán trên
mạng xã hội, gửi email, gọi điện cho các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý để tố
cáo, vu khống, gây
sức ép đòi nợ... làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân.
Tháng 11/2023 Công an tỉnh Hà
Tĩnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 5 đối tương về tội “Lừa đảo
chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính,
mạng viễn thông”. Các đối
tượng lập các nhóm Facebook, telegram để mua bán data là dữ liệu thông tin cá
nhân. Các đối tượng mua dữ liệu về đã lập các trang web giả mạo có hình thức, giao diện giống
các trang web của ngân hàng và công ty cho vay tài chính rồi liên hệ với khách
hàng qua các dữ liệu đã mua. Khi bị hại có nhu cầu, các đối tượng yêu cầu phải
nộp một khoản tiền mới được giải ngân và bị chúng chiếm đoạt...
10. Huy động vốn để đầu tư kinh doanh đa cấp, kêu gọi tham gia các sàn
giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ,
bất động sản…) hoặc đầu tư các mặt hàng có rủi ro cao (tiền điện tử, FutureNet,
GRC...).
Trong
thời gian gần đây, lợi dụng sự xuất hiện các loại tiền điện tử và giá trị giao
dịch của các loại đồng tiền đó liên tục tăng (tiêu biểu là Bitcoin), các đối
tượng lừa đảo đã kêu gọi người dân tham gia đầu tư tiền điện tử với những lời
mời chào hấp dẫn về lãi suất cao khi tham gia đầu tư. Các đối tượng thường xây
dựng một đội ngũ Leader đánh bóng tên tuổi bản thân (sống biệt thự, đi xe đắt
tiền, tổ chức các sự kiện tại các nhà hàng sang trọng) nhằm kêu gọi, lôi kéo
nhà đầu tư.
Bản
chất những sàn giao dịch này do các đối tượng tự lập ra hoặc đứng ra làm đầu mối
cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch để
chiếm đoạt tiền đầu tư. Những sàn này trên thực tế không có hoạt động kinh
doanh mà chỉ lấy tiền của người đầu tư sau để trả cho người trước. Sau một thời
gian, các đối tượng đánh sập sàn, tiền đầu tư của người chơi mất trắng.
Thực
tế các trường hợp lừa đảo thông qua “vỏ bọc” đầu tư, do đã giấu giếm người thân
để tham gia, hi vọng có thể làm giàu và “đặt cược” vào đó số tiền rất lớn nên
đa số người bị hại không dám trình báo hoặc trình báo cho cơ quan công an quá
muộn, khi các sàn giao dịch này đã bị đánh sập một thời gian dài dẫn đến không
còn dấu vết hoạt động, dữ liệu liên quan trên hệ thống để tìm ra hành vi, dấu
hiệu phạm tội.
11. Sử dụng công
nghệ Deepfake để lừa đảo:
Thời gian gần đây nổi lên thủ đoạn sử dụng công nghệ
Deepfake để tạo ra các hình ảnh, video giả mạo chân thực đến mức khó phân biệt
thật giả để giả danh cán bộ cơ quan nhà nước (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án,
Ngân hàng...) để giả mạo người thân, hăm dọa có liên quan đến các vụ án đang
điều tra hoặc thay đổi giọng nói, cắt ghép âm thanh, thay đổi khuôn mặt tạo ra
các hình ảnh, video “nhạy cảm” để thao túng tâm lý, đe dọa bôi nhọ danh sự, xúc
phạm nhân phẩm và tống tiền...
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thời
gian gần đây nổi lên thủ đoạn sử dụng công nghệ Deepfake để tạo
ra các hình ảnh, video giả mạo người thân để vay, mượn tiền; giả mạo cán bộ cơ
quan nhà nước hoặc thay đổi giọng nói, cắt ghép âm thanh, thay đổi khuôn mặt tạo
ra các hình ảnh, video “nhạy cảm” để thao túng tâm lý, đe dọa bôi nhọ danh sự,
xúc phạm nhân phẩm và tống tiền...
Trong năm 2024, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 24 vụ, 115 đối tượng về
hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, trong đó các đối tượng
đã sử dụng nhiều phương tiện, thiết bị, công nghệ cao để thực hiện hành vi gian
dối nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân trên địa bàn. Đáng chú ý, trong
năm 2024, đã phát hiện, đấu tranh 01 vụ, bắt 07 đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake và nhiều phần mềm hỗ trợ để vượt qua hệ thống xác thực, định danh điện tử eKYC mở nhiều tài
khoản thanh toán nhằm mục đích chiếm đoạt tiền voucher (là phiếu hoặc mã mua
hàng có giá trị tương đương tiền mặt) của các ngân hàng. Đồng thời, qua công tác nắm tình hình, Phòng PA05 ghi nhận phản ánh của
gần 20 trường hợp cán bộ, Đảng viên,
quần chúng nhân dân về việc bị các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake cắt
ghép hình ảnh, video “nhạy cảm” để đe dọa bôi nhọ danh dự, nhân phẩm nhằm mục
đích tống tiền.
Điều này cho thấy, cán bộ, Đảng viên nói chung, các đồng chí Lãnh đạo các
cơ quan, ban, ngành, nhân sự Đại hội Đảng các cấp nói riêng chính là mục tiêu
mà mà các đối tượng nhắm tới trong giai
đoạn hiện nay. Mặc dù là thủ đoạn cũ tuy nhiên
các đối tượng đã thực hiện thông qua nhiều cách thức tinh vi, nguy hiểm, khó
phát hiện hơn thông qua việc ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để biên tập, chỉnh sửa, cắt ghéo video, hình ảnh tạo hiệu
ứng như thật, rất khó để người đọc, người xem có thể phân biệt rõ. Lợi dụng khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng của mạng xã hội, các đối
tượng thông qua việc sử dụng tài khoản mạng xã hội ẩn danh
Facebook, Zalo, Youtube... tung tin thất thiệt, xuyên tạc, nói sai sự thật về
tình hình sức khỏe cán bộ; thêu dệt bí mật đời tư; bôi nhọ nhân phẩm, đạo đức,
lối sống; hạ thấp công trạng, đóng góp của các lãnh đạo; xuyên tạc mâu thuẫn
trong nội bộ…
III. HƯỚNG DẪN MỘT SỐ KIẾN THỨC KỸ NĂNG PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM TRÊN KHÔNG
GIAN MẠNG
1. Hạn chế hoặc không đăng
tải thông tin chi tiết của bản thân trên mạng xã hội; đặc biệt tài khoản
facebook nên đặt mật khẩu nhiều tầng bảo mật, mật khẩu phải đủ độ mạnh. Không
công khai các thông tin cá nhân lên mạng xã hội để tránh các đối tượng lợi dụng
khai thác; khi chia sẻ thông tin cần chọn lọc thông tin công khai, thông tin
nào thuộc về cá nhân cần giới hạn người xem.
2. Cẩn trọng khi kết bạn,
giao tiếp với người lạ hoặc người nước ngoài qua mạng xã hội, bởi giấy tờ chứng
minh về người lạ không có, thậm chí các cuộc gọi video cũng là ảo, giả mạo.
3. Khi nhận được tin nhắn vay
tiền hoặc nhờ chuyển hộ của bạn bè, người thân từ MXH facebook, zalo… phải gọi
điện thoại trực tiếp kiểm tra xác thực, tuyệt đối không đăng nhập vào các trang
web nghi vấn hoặc đường “link” lạ và mã độc trên các “link” được kích hoạt sẽ
thu thập được thông tin trên các thiết bị truy cập của người dùng; không làm
theo hướng dẫn và không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP tài
khoản ngân hàng… Đối với các cá nhân, người thân có nhu cầu chuyển – nhận tiền
từ nước ngoài về chỉ gửi nhận thông qua ngân hàng uy tín, không sử dụng các
dịch vụ chuyển đổi tiền quốc tế của cá nhân không hợp pháp.
4. Thận trọng, cảnh giác khi
sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến. Cảnh giác với những trang website
giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng… Lưu ý chỉ nên nhập
thông tin tài khoản ngân hàng trên các website chính thức của ngân hàng có uy
tín. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân
viên ngân hàng.
5. Không tham gia các sàn
giao dịch tiền điện tử không chính thống hay đầu tư mua đồng “Coin” trên thị
trường tiền mã hóa do các đối tượng người nước ngoài hướng dẫn, giăng bẫy. Tìm
hiểu kỹ trước khi tham gia các hoạt động kiếm tiền online dưới hình thức huy
động vốn, đầu tư tài chính.
6. Cần nhận thức việc mua, bán
số lô, đề là vi phạm phạm luật. Khi là nạn nhân của các thủ đoạn soi cầu, số
lô, số đề, nên tố giác tội phạm, đồng thời cũng cảnh báo cho người khác phương
thức thủ đoạn lừa đảo này. Tuyệt đối không tham gia vay tín chấp trên các trang
MXH do các công ty quảng cáo không rõ nguồn gốc.
7. Không tham gia các hình
thức chơi game đổi thưởng, cá độ, game bài qua mạng bởi vì đều là hành vi tham
gia đánh bạc vi phạm pháp luật.
8. Cảnh giác, không tin tưởng
vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại
hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tìm hiểu
kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội đặc biệt là người
hứa hẹn cho, tặng số tiền lớn, món quà đắt tiền.
9. Cần cân nhắc khi tham gia các
phần mềm “chat” không lành mạnh để trao đổi các hình ảnh nhạy cảm về bản thân,
ngoài việc lừa tình các đối tượng có thể lừa tiền hoặc cưỡng đoạt tài sản, thậm
chí thông tin cá nhân bị đăng lên MXH.
10. Các hành vi giả danh cơ
quan tư pháp, công an… đang điều tra vụ án, tham ô, nhận hối lộ, trộm cắp điện,
buôn lậu, tiền bẩn…yêu cầu kê biên về tài khoản ngân hàng, người dùng MXH không
được chuyển tiền theo hướng dẫn của các đối tượng, cần báo ngay cho cơ quan
công an biết để ngăn chặn hành vi lừa đảo.
11. Đối với người làm cộng
tác viên bán hàng online, cẩn thận khi nhập hàng từ các đại lý trên MXH mà chưa
có đủ thông tin, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, kiểm
định chất lượng (Đối với người mua hàng online không nên mua hàng bằng hình
thức đặt tiền cọc trước hoặc thanh toán trước qua MXH (trừ các trang thương mại
điện tử chính thống) chỉ khi nhận được hàng, kiểm tra đúng chủng loại, nhãn
mác, chất lượng, hóa đơn…, thì mới thanh toán đơn hàng.
12. Tuyệt đối không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân
hàng của mình cho người khác, đặc biệt là những đối tượng không quen biết.
Trong nhiều trường hợp các đối tượng lợi dụng tài khoản ngân hàng nhận tiền
chiếm đoạt. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho đối tượng lừa đảo,
phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
13. Người dân chỉ cài đặt các
ứng dụng chính thống của cơ quan nhà nước (được đăng tải trên các website chính
thống có tên miền gov.vn). Khi cài đặt phần mềm cần đọc rõ việc xác nhận cấp
quyền truy cập vào thiết bị. Nếu như đã lỡ cài đặt phần mềm mà phát hiện ra
không phải phần mềm chính thống thì phải gỡ cài đặt ngay, đổi hết tất cả thông
tin mật khẩu tài khoản ngân hàng, mạng xã hội và nhờ người có chuyên môn để xử
lý.
14. Cơ quan Công an không làm
việc qua điện thoại, mạng xã hội, khi cần phối hợp sẽ có giấy mời gửi về chính
quyền địa phương. Cơ quan nhà nước không bao giờ yêu cầu chứng minh tài chính
hay yêu cầu chuyển tiền để chứng minh. Không làm việc qua điện thoại, mạng xã
hội với bất cứ người nào tự xưng là Công an, cơ quan nhà nước.
15. Khi phát hiện các hành vi
vi phạm pháp luật, có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần thông tin ngay cho cơ quan
có thẩm quyền để xác minh, điều tra, làm rõ.
Thượng Tân Lộc, ngày 21 tháng 5 năm
2025